16 August 2011

ẤM ÁP NGỌN LỬA THƠ

Đọc NGỌN LỬA _ Tập thơ của Trương mInh Phố- NXB Văn Học năm 2011
Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ đương đại, Trương Minh Phố xuất hiện trong làng văn chương nói chung và Thơ nói riêng, khá muộn. Mãi đến năm 2005 anh mới có một số bài được đăng trên các báo và tạp chí. Năm 2006 anh ra đời tập thơ đầu tiên, tập Cỏ ven đường do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành.  
Và từ đó đến nay, vẻn vẹn mới có 5 năm trôi qua, Trương Minh Phố đã kịp cho ra mắt độc giả liền 3 tập thơ nữa: Dòng sông và Thời gian Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2008; Đi về phía mặt trời Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009; Chiều nghiêng Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2010 và trong năm 2009, tập thơ Đi về phía mặt trời của anh được Trung ương liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải Ba (không có giải Nhất). Năm 2010 anh được kết nạp Hội Nhà Văn Việt Nam. Song hành, liên tiếp từ năm 2006 đến nay, nhiều lần thơ Trương Minh Phố đã được Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều báo và tạp chí văn nghệ của Trung ương và địa phương giới thiệu. Thơ anh đã có chỗ đứng trong lòng những người yêu Thơ. Điều có thể ít ai biết, trong những cuốn sổ tay, sổ công tác của anh có khá nhiều những bài thơ, những tứ thơ được ghi chép và lưu giữ cẩn thận từ những khi anh còn ngồi trên ghế nhà trường, khi đang đêm ở một công trường thủy lợi hay trên dọc đường trong những chuyến công du... Trong số ấy có cả những câu thơ viết vội, những bài thơ chưa hoàn chỉnh. Những bài thơ ấy giống như những dòng nhật ký anh ghi lại những suy nghĩ, trăn trở, những tình cảm trên bước đường công tác của mình. Rồi công việc cứ cuốn anh theo dòng chảy cuồn cuộn của nó, còn mạch thơ thì lắng đọng lại như tầng tầng, lớp lớp phù sa để làm nên bờ bãi thơ mênh mang, lai láng sau này. Vậy là có thể khẳng định mạch thơ của Trương Minh Phố sau bao kìm nén, đã được khơi thông, giống như cái nghề Kĩ sư khảo sát địa chất của anh, mũi khoan một khi đi vào lòng đất, chạm được vào đúng mạch ngầm thì lập tức những dòng nước mát tuôn trào mãnh liệt không gì có thể cản được nữa vậy.
Bây giờ là Ngọn Lửa, tập thơ thứ 5.
So với bốn tập thơ trước, Tập Ngọn Lửa lần này vẫn chứng tỏ được nội lực thơ của anh: Sung mãn, đa dạng, đằm thắm, ấm áp và chân thành. Với trên 150 bài, tập thơ Ngọn Lửa là cơ hội để nhiều vấn đề, nhiều mặt, nhiều trạng thái tình cảm của anh với cuộc sống được đề cập.
Trước tiên, đó là sức nóng của Ngọn lửa anh dành cho tình yêu, một tình yêu thủy chung, đằm thắm: Một ngày đông giá buốt/ Em hiện ra như ngọn lửa/ Thiêu đốt trái tim anh trong nụ hôn nồng nàn/Em xa rồi/ Trái tim anh thành than/Giữ lửa. Có một chút mong manh: Người đi chín đợi mười chờ/ mong manh ơi gió gội bờ vai nghiêng một chút giãi bày Tại người gánh nước dòng trong/ Để ta phải lòng ngô non, mía ngọt. Trong thơ Trương Minh Phố, những bài thơ về tình yêu không nhiều. Tình yêu trong thơ anh thiên về kỉ niệm, đẹp và buồn. Cái tạng anh vậy. Trương Minh Phố là người thủy chung trong tình yêu: Mặc cho bến thẳm rừng sâu/ Thuyền trăng một mảnh dù lâu cũng về… Nhưng ngay cả khi đối diện với những bất trắc của Tình yêu thì giọng thơ anh vẫn chứa đựng sự bao dung, nhân hậu: Thế rồi ván vội đóng thuyền/ Đường xưa lối hẹn cỏ lên lưng bờ/ Gối đầu lên cỏ tôi mơ…Và trên hết là một sẻ chia, đồng cảm: bàn tay lần tìm mùi hương quen thuộc/ trong mái tóc thưa/ trời đất vỡ oà cơn mưa/cơn mưa sau bao mùa nắng hạn.
Có thể nói sự sẻ chia đồng cảm luôn là một trạng thái tình cảm nổi bật trong thơ Trương Minh Phố. Sự sẻ chia, đồng cảm ấy không chỉ với những mối tình muộn mằn hay lỡ dở của những đôi trai gái thông thường mà phần đa anh dành cho những thiếu phụ đã phải hứng chịu sự mất mát trong chiến tranh: Chiến tranh là một đề tài luôn hiện hữu trong thơ Trương Minh Phố. Anh thuộc thế hệ của những người sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có thể với một số người, chiến tranh đã thật sự đi vào quên lãng: Chiến tranh ngày ấy xa rồi/ Nỗi đau chia cắt có người đã quên/ Chiến trường cây cỏ mọc lên/ Xoá nhoà dấu cũ những miền đạn bom nhưng với Trương Minh Phố, chiến tranh đã thành một ám ảnh mà ám ảnh lớn nhất, sâu đậm nhất vẫn là những mất mát hy sinh của những người phụ nữ, những mẹ, những chị, những người đã hiến dâng cho Tổ quốc không chỉ bản thân mình, người thân của mình, mà cả sự hy sinh thầm lặng không dễ đong đo được: Tuổi thanh xuân mình: Năm qua/ Tháng qua/ Đêm qua/ Như thác đổ / Như mưa tuôn/ Thời gian bào mòn đời chinh phụ…Cấu trúc câu thơ gây ấn tượng của dòng thác. Chiến tranh là một khúc đê vỡ trên dòng sông cuộc  đời. Nhưng khúc đê vỡ ngoài đời thực có thể dễ dàng hàn gắn, còn khúc đê vỡ trong cuộc đời người thì đâu dễ lấp đầy cho được?
Ngay trong ngày vui kỉ niệm chiến thắng Trương Minh Phố vẫn có cái nhìn riêng đầy góc cạnh: Hình ảnh của người thiếu phụ bên bờ sông Thạch Hãn: Giữa rờm rợp cờ/ Rờm rợp hoa/ Dưới một trời đầy nắng/ Người đàn bà quỳ bên mép nước/ Dòng sông của những chàng trai/ mười tám đôi mươi/ Bom đạn một thời/ ra đi không trở lại/… Trong sâu thẳm tâm hồn, người đàn bà tìm đến chiến trường xưa để tìm hơi hướng người xưa nhưng cũng chính là để: Chị tìm lại tuổi xuân mình. Câu kết trong bài: Cổ thành sương khói như mơ/ Tóc chinh phụ đổ trắng bờ hoa lau… chữ “đổ” gây một ấn tượng mạnh, cả câu thơ là một khắc họa vừa thực vừa đầy ẩn dụ.
Sâu đằm nữa trong thơ Trương Minh Phố vẫn là tình cảm dành cho làng quê, cái làng quê đất cát nghèo khó bên bờ sông Thưa nơi anh sinh ra, đầu trần chân đất, đội nắng đội gió mà lớn lên: tôi sinh ra từ đất đai/ lớn lên từ giọt mồ hôi cha mẹ. Đó là một tình cảm thủy chung son sắt và chưa bao giờ phai nhạt. Anh nhớ về kỉ niệm thời thơ ấu như về một giấc mơ đẹp: Viên bi đất khéo lượn vòng/ Ngõ cát mịn những gót hồng trẻ con. Trước những đổi thay của cuộc sống hiện tại, bên những mừng vui khi quê hương đổi mới, Trương Minh Phố vẫn có nỗi trăn trở riêng: Cổng làng dỡ bỏ đi rồi/ Nhặt viên gạch thất vỡ đôi bên hè/ Mở hồn vội cất nét quê/ Để còn lối cũ đi về mai sau. Không chỉ khung cảnh mà cả con người cũng đổi thay: Nông phu lên phố thị/ Thầm hẹn mùa mưa bay… Trương Minh Phố yêu quê. Dù đi đâu trong anh vẫn Rưng rưng  một nỗi quê nhà. Có lẽ kỉ niệm về quê hằn quá đậm trong anh mà giờ đây mỗi lần về quê, những biến đổi bể dâu, những mất mát của nét quê không khỏi làm nhà thơ ngậm ngùi, xa xót: Những dự án khoanh rào cho cỏ mọc/ Đất chia lô nhàu nát ngõ làng/ Oải mục rạ rơm, oải mục giấc mơ cổ tích…cảnh những người nông dân quê anh phải xa làng ra phố tham gia vào các Chợ lao động, một hiện thực khá phổ biến hiện nay, bao giờ cũng đem lại cho nhà thơ một nỗi buồn: Không còn bận việc nông trang/ Đem thân lên phố rao rang chợ đời/ Gốc cây bày bán mồ hôi…Chứng kiến những cô gái đáng tuổi em anh phải lên phố dấn mình vào trong những quán xá, những hộp đêm, anh thảng thốt nhắn gửi: Thôi về với mẹ đi em/ Quê nhà hoa bưởi, hoa sen vẫn chờ…lời chân thành cất lên từ gan ruột.
Trương Minh Phố đi nhiều. Bàn chân anh hầu như đã đặt tới khắp các vùng đất từ đô thị sang giàu đến những nẻo rừng khuất lấp. Anh gặp Ông già bơm xe, Người bán chè chén góc phố, người hát rong… Đến rồi đi. Gặp rồi chia xa. Tất nhiên là vậy. Nhưng ở đâu cũng đem lại, lưu lại cho anh những tình cảm ấm áp, những cảm xúc không dễ quên. Anh lên Tây Bắc, chứng kiến những trận bão, lở đất, những trận lũ cuốn, thơ anh bật lên xé lòng: Lũ cuốn tan tành giấc mơ em tôi mười bẩy tuổi. Như một tiếng kêu. Và như một tiếng nấc nghẹn. Với Trương Minh Phố, nỗi đau ấy không bao giờ xóa đi được mà Thành vết đứt gãy của thời gian không bao giờ liền lại/ Vạch lên tia chớp cuối trời. Nhà thơ nhắn gửi: xin đừng đặt dấu hỏi trước những ánh mắt buồn/ Của những người còn sót lại ở vùng tâm bão! Và với anh, nỗi đau đó đã thành một ám ảnh: Những hạt mưa gõ vào cửa kính/ Tôi giật mình như ai người đang gõ cửa gọi tên. 
Tuy vậy, là nhà thơ, anh vẫn kịp ghi được những nét đẹp vốn vẫn tồn tại như một minh chứng bất diệt của cuộc sống. Mưa tháng giêng chưa ướt tóc bao giờ. Với một tâm hồn thơ nhạy cảm, Trương Minh Phố luôn có cái nhìn tinh tế và có những câu thơ thật đẹp. Anh đến Huế: Huế vốn buồn. Mưa ở Huế càng làm cho Huế buồn. Vậy là mưa thừa. Trương Minh Phố viết: Huế buồn - xin nhận hạt thừa sang tôi - Một sẻ chia độc đáo…Chiều mưa cho mướt giọng hò/ Để bên ướt nhớ bên khô cháy lòng…Ở Đại nội Huế: Giọt đồng thấu cõi ta bà/ Tam quan phủ mượt một tà khăn rêu. Ở Hội An: Lung linh ánh đèn lồng/ Khe khẽ thôi kẻo lung linh rạn vỡ… Ở Đà Lạt: Có phải vàng hoa hẹn ước với mùa thu/ Mà con đường lao xao lá rụng… một trời vàng lá ngẩn ngơ/ biết  Thu ảo đấy vẫn chờ đợi nhau… Ven đê nở một bông hoa/ Mà nghe vàng rực ánh tà trên sông…
Đôi khi tâm trạng lạc lõng giữa phố đông của một người xa quê  vẫn hiện ra: Bâng khuâng xứ lạ/ chiều mưa/ Phố đông vui/ phố như thừa một ta… Nỗi đời chìm nổi mà thương/ Nỗi mình lữ thứ chiều sương xứ người. Cái chất ngang tàng không phải là chất ruột của Trương Minh Phố, nhưng đôi chỗ vẫn gặp trong anh những câu thơ “Lãng tử”: Hắt ngang chén rượu lưng trời/ Cả say mãi hỏi ai người tri âm…Bẻ giấc mơ làm đôi ba món nhắm/ Lăn lóc be không một tiếng khà. Có thể đi nhiều, được chứng kiến nhiều những số phận, những nghịch cảnh mà có tâm trạng ấy? Có điều đáng mừng là dù đau, dù buồn, nhưng luôn trong thơ Trương Minh Phố là cái nhìn bao dung, độ lượng, không bi lụy. Nhà thơ tự nhủ lòng: Lặn trong dòng đời trong đục… Ta vẫn khao khát sống để yêu thương...
Trong bài thơ “Thả hồn ra với mông mênh” có những câu:
          …Tôi về nới rộng cái vui
          Yêu thương mở hết với đời gần xa
          …Thả hồn ra với mông mênh
          Ta hòa vào với nhân quần …mà thơ
Có thể coi đây là một “tuyên ngôn thơ” của Trương Minh Phố.
Và anh đã làm đúng như vậy. Sống đúng như vậy:
          Một tờ lịch cũ vừa rơi
          Quỹ thời gian đã lại vơi một ngày
          Cầm câu thơ mới trên tay
          Sương trên mái tóc đã dầy, dầy hơn…
Trong quá trình sáng tác, nhà thơ Trương Minh Phố đã có nhiều trăn trở để tự đổi mới thơ mình. Anh đã khá thành công trong đổi mới cách thể hiện ở mảng thơ tự do. Nếu ở những tập trước sự đổi mới này còn dừng lại như những nét chấm phá, gợi mở thì trong tập này, mảng thơ tự do của anh đã thấy một sự bứt phá rõ rệt, có những bài ghi được dấu ấn trong lòng người đọc. Như những bài: Ngủ lại quê nhà một đêm; Nắng thủy tinh; Hương tóc; Tiếng hè; Đi tìm cơn gió mát. v.v... Bài Mỹ Sơn, trước những pho tượng đá Chàm, anh viết: Phải chăng vì sự đề phòng giữa con người với nhau/ Hay bởi tình yêu mênh mông đến từ nhiều hướng/ Mà hướng nào cũng có mặt người/ Chăm chắm ánh nhìn/ Vừa hoài nghi, vừa độ lượng bao dung? Anh viết về cơn mưa mùa hạ: Mưa mùa hạ hồn nhiên như trẻ nhỏ/ Sải chân loáng ướt mặt đường/... Những giọt mưa chơi trò trốn tìm trong tán lá... Bài thơ Bình Yên trong tập viết về giấc mơ của chú bé chăn bò là một bài thơ vừa có cấu trúc lạ, vừa như một bức tranh quê đẹp.
Để có được một tập thơ mới ra đời, Trương Minh Phố đã phải lao động, vắt kiệt mình đi nhiều lắm. Một chấp nhận đánh đổi tự nguyện, một dấn thân không ngưng nghỉ. Xin chúc anh chân cứng đá mềm trong chặng đường thơ mới.

Sài Gòn tháng 5/ 2011
Nhà văn KAO SƠN

No comments:

Post a Comment