10 August 2011

DUYÊN GIỜI

 
   Duyên giời
        

       Lão Tắc ngồi co ro bên gốc một cây sung già mắt đăm đăm nhìn chiếc phao câu bằng lông gà đang nhấp nhô trên mặt nước ao lăn tăn những con sóng nhỏ. Trong tay lão chiếc cần câu nằm im chờ đợi. Trên một cành lan xoã ra mặt ao, thằng cò nhẩn nha nhá sung xanh, thỉnh thoảng nó lại nhả vài miếng đã nhai nát xuống mặt nước. Nó nhìn vu vơ lên đám lá sung non mướt ken dày trên đầu, nhìn chiếc phao câu , một lúc, rồi gọi với xuống :
     - Bố ơi, bu Tuất bảo nhất định con phải đi học!
      Lão Tắc vẫn ngồi im. Thằng cò dập dình cành cây và ném một quả sung đánh tõm xuống chỗ chiếc phao câu đang nhấp nháy. Lão Tắc ngước lên:Mày liệu cái thần hồn đấy. Làm động thế có bố mày cắn chứ cá nào còn dám cắn nữa. Thằng cò không để ý đến câu mắng của bố, nó nhắc lại câu vừa nói. Lão Tắc lườm nó một cái rồi cau mặt : Vậy mày có thích đi học thật không ? Lão hỏi thằng cò . Thằng cò chưa kịp đáp thì lão Tắc đã thủng thẳng : Đi học làm đếch gì. Mày cứ lớn nhanh rồi tao truyền cho mày cái nghề câu. Chỉ cần biết câu giỏi là chả học cũng vẫn sống được. Với lại học ai chứ học cái lão giáo ấy thì học làm gì. Ngày xưa chơi đánh đáo với tao, lão ấy thua, vẫn bị tao bắt làm trâu cho tao cưỡi suốt... Thằng cò như chẳng hề nghe câu bố nói, nó bướng bỉnh nhắc lại : Nhưng bu Tuất bảo con nhất định phải đi học! Lão Tắc im lặng. Chiếc phao câu nháy mạnh rồi bất ngờ chìm nghỉm. Lão Tắc giật vội. Một con diếc to bằng bàn tay trắng lấp loá vọt lên : Chết mẹ mày rồi con... Lão Tắc reo lên khoái chá. Thằng cò từ cành sung cao nhảy luôn xuống, trong nháy mắt con diếc đã nằm gọn trong tay nó. Nó khéo léo tháo lưỡi câu ra khỏi mép con cá rồi bật chiếc nắp giỏ : Con diếc cụ đây, lâu lắm mới lại được con to thế này. Để trưa về con đưa sang cho bu Tuất để bu nấu với canh khoai.- Bu Tuất, lúc nào mày cũng chỉ có bu Tuất. Bà ấy là mẹ đẻ mày chắc? Không có tao câu thì ... lão Tắc càu nhàu. Thằng cò nhìn bố, nhưng thấy mặt bố không có vẻ gì là khó chịu, nó liền nhoẻn một nụ cười ...
***
     Làng có cái tên rất gợi : Làng Khoái- Trong làng Khoái có thôn Lạc. Án ngữ ngay trước thôn Lạc là ngọn núi Cạc và chiếc ao Lồ. Về tên của ngọn núi và chiếc ao này có người bảo đó là tên hai cái ấy của đàn ông và đàn bà nhưng được gọi chệch đi cho đỡ tục. Và cũng chả biết do tại thế đất đặt núi Cạc, ao Lồ cạnh nhau hay vì mạch nước mà đàn bà con gái làng này từ xưa đến giờ vẫn lắm người mắc bệnh không chồng cũng đẻ hơn hẳn các làng khác . Ngay dưới chân núi Cạc có một ngôi miếu gọi là miếu Bà Mụ. Tục truyền rằng miếu ấy thờ bà đỡ chung của làng. Đàn bà con gái trong làng, có chồng hay không nhưng đến kỳ sinh nở , dù là con dạ hay con so , nếu đã đến xin Mụ thì chẳng cần đến trạm xá của xã, cứ đẻ ngay ở nhà cũng đều  được mẹ tròn con vuông. Chuyện sinh đẻ dễ vậy nên vào những ngày nắng đẹp, trong làng đâu đâu cũng thấy tã lót trẻ con phơi trắng xoá.
      - Mẹ kiếp, mấy năm liền xã bị mất cái bằng văn hoá cũng là tại thôn ông. Tôi mà được làm giời thì tôi mưa luôn tù tì cho mấy tháng liền xem không phơi được, tã lót nó có thối inh lên không- Ông chủ tịch xã thường vừa đe vừa kích ông trưởng thôn bằng một câu kiểu nửa nạc nửa mỡ vậy. Ông trưởng thôn mới lên cũng tỏ vẻ bức xúc không kém:
     -  Đéo mẹ khỉ, thì anh tính, đã Lạc lại còn Khoái , Cạc thì đứng ngỏng lên bên Lồ, sướng đến thế thì nhịn sao nổi. Cứ sòn sòn, sòn sòn, thành lệ từ xưa rồi, con gái làng này mười đứa thì quá nửa chẳng chửa hoang cũng ăn cơm trước kẻng, tôi biết làm sao, chả lẽ đêm nào cũng ra núi Cạc nằm giữ ? Mà các cụ mình xưa nghĩ cũng lạ. Trên đời này thiếu gì cái đẹp chả lấy, lại đi lấy cái người ta  dùng để "ấy nhau" để mà đặt tên ...?!-  Ông dạo cái khúc vân vi ấy của mình vậy, thậm chí định viết đơn xin huyện cho đổi tên làng thành làng Chính Chuyên. Ông chủ tịch ủng hộ, lũ thanh niên có vẻ cũng ủng hộ , lý do là để sau này đi đâu hay thư từ gì cho bạn bè ghi địa chỉ cũng đỡ ngượng. Nhưng khi đưa ra cuộc họp thôn để xin ý kiến các cụ thì đổ.
     - Xấu đẹp gì thì cũng là tên làng. Tên làng cũng như tên bố mẹ đặt cho con cái, thay làm gì. Các cụ dứt khoát không đồng ý. Ông trưởng thôn dỗi :
     -  ừ thế thì cứ để là Cạc là Lồ cho thích...để rồi chửa hoang lắm vào.
    Bọn thanh niên cười : Bố đừng dùng cái từ của đế quốc phong kiến ấy, phải gọi là thử chứ lại. Thời buổi tân tiến, cái gì cũng phi thử bố ạ, đến như trước khi phóng tên lửa đưa người vào vũ trụ người ta cũng còn phải thử nữa là...
       Một số bà bạo mồm trong thôn thì bỗ bã cấu vai ông trưởng thôn:
     - Có chửa hoang cũng chả ai chửa với ông đâu mà ông sợ.
      Lão Tắc tính ngang, vốn ghét ông trưởng thôn mấy lần đuổi không cho lão câu ở ao Lồ, nhân dịp này cũng thủng thẳng :
     - Anh có cái ấy đếch đâu, đã được ấy đếch lần nào đâu mà biết nó đẹp hay xấu, hay hay không hay- Nói vậy là lão Tắc với các bà có ý khích ông trưởng thôn. Ông trưởng thôn là thương binh, và như lũ trẻ con làng Khoái Lạc hát : Lúc đi chẳng là đàn bà, khi về nhà lại không còn là đàn ông- trước đây đi dân công hoả tuyến , bị thương , mảnh đạn pháo đã thiến mất của ông " Qủa lựu đạn" nên dù vẫn vâm váp, chân tay lành lặn cả nhưng chịu không lấy được vợ, đành ở vậy.
     - Thế còn lão thì chắc biết ?- Ông trưởng thôn dồn tất cả nỗi bực dọc bằng câu hỏi kháy lên lão Tắc. Lão Tắc không ngờ bị phản đòn đâm lúng túng, chỉ lủng bủng chẳng rõ ra câu gì rồi im.
***
       Lão Tắc chưa một lần lấy vợ. Lão sống bằng nghề câu cá. Ngày xưa cá còn lắm, đầm đìa quanh chân núi Cạc bỏ hoang nhiều thì lão câu vút, vừa vác cần đi vừa gánh theo một đôi rổ trát bằng vỏ sắn thuyền. Câu được con cá quả nào lão bỏ vào đấy, đổ nước cho sống rồi hôm sau mang ra chợ đổi gạo. Sau này làng lên hợp tác, ao chuôm được tập thể . Gọi là ao hợp tác nhưng cha chung không ai khóc nên nếu lão có vác cần đến thì may cũng chỉ có mấy anh bảo nông doạ mấy câu, rồi sau khi được lão dúi cho con cá quả to bằng cổ tay thì họ lại để cho lão yên. Bây giờ sau khi chia để giao khoán cho các hộ thì ao chung chỉ còn có cái ao Lồ dưới chân núi Cạc. Lão Tắc hay mò ra ao Lồ để câu. Lúc đầu người ta cấm, nhưng sau thì lờ đi. Bởi có lẽ cũng đúng như lão nói : cá dưới ao Lồ toàn là do hoa bèo sinh ra. Hợp tác có thả xuống được con đếch nào mà giữ?!
        Lão Tắc cũng không phải bố đẻ thằng cò. Một lần đi câu sớm, khi ngang qua miếu bà Mụ lão bỗng nghe tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt. cảm được điều không lành, lão chạy lại và nhìn thấy trên bậc thềm gạch một đứa trẻ còn đỏ hỏn được bọc cẩn thận bằng một chiếc áo hoa cũ đặt gọn trong lòng chiếc mo cau to. Biết ngay là trẻ được đẻ hoang và bị bỏ rơi, lão quăng cần câu rồi vội ôm cả chiếc mo cau trong có đứa trẻ lên. Đứa trẻ là con trai. Nó ngưng khóc ngay khi được lão bế. Nó nhìn lão và nhoẻn miệng cười. Lão vạch quần đái một vòng quanh chỗ đứa trẻ vừa nằm, lấy vạt áo thấm nước đái rồi xoa lên chân tay, mặt mũi cho đứa trẻ để trừ tà khí rồi thất thểu ôm nó trở về làng. Lúc đầu lão định bụng sau này sẽ đưa cho ai đó hiếm con , nhưng qua mấy ngày bế ẵm đứa trẻ, lão đã thấy cuộc đời nó rồi sẽ gắn chặt với lão. Mùi của đứa trẻ có sức quyến rũ lạ kỳ khiến lão không thể dứt thằng bé ra được. Lão đặt tên cho nó là thằng cò. Thằng cò lớn nhanh như thổi và cho đến tận giờ khi đã sáu bảy tuổi nó vẫn chưa làm tốn của lão một xu tiền thuốc. Thường ngày lão vác cần câu đi, thằng cò lon ton chạy theo xách giỏ. Lão cho nó đi để yên tâm là lão có thể luôn được nhìn thấy nó.
       Mấy ngày qua trong làng đang xôn xao lên chuyện phải đưa trẻ con đến tuổi tới trường. Năm nào cũng vậy, đây là dịp trong làng nhộn nhạo nhất. Ông chủ tịch tỏ ra rất  phiền lòng. Các bà lẩn như trạch. Lý do thật dễ hiểu: Chuyện đi học của lũ trẻ gắn với việc phải làm giấy khai sinh cho chúng, phải kê tên bố mẹ. Còn bọn trẻ, kể cả đứa có bố mẹ hẳn hoi lẫn những đứa được đẻ hoang lại ham chơi và hầu như chả đứa nào có tên. Chúng được sinh ra như cỏ dại và lớn lên cũng như thế. Thằng cu, cu anh, cu em, cái nhớn, cái bé... mẹ chúng gọi chúng ở mọi nơi mọi chỗ và chúng, chúng cũng chỉ thầy ơi, bu ơi. Vậy nhưng có lẽ cũng chỉ cần như thế là đủ. Ngay cả trong đám đông cùng lúc có ba bốn cặp, người réo gọi con , đứa réo gọi mẹ, người lạ chịu không thể biết được ai gọi ai, nhưng ở đây thì giỏ nhà nào vẫn cứ về đúng quai nhà nấy. Bọn trẻ nghe tiếng mẹ như gà con nghe tiếng cục cục quen thuộc của gà mẹ mà tìm về ổ. Dân ở đây có lệ, chỉ khi vướng chuyện cực chẳng đã thì người ta mới phải ra uỷ ban. Chỗ ấy không phải của chúng tôi- họ bảo vậy. Thế đẻ con ra, làm giấy khai sinh cho chúng cũng không phải chuyện của các bà ? Ông chủ tịch vặn. Dân không trả lời. Họ im lặng tản đi. Thế là chính quyền thua. Nhưng chính quyền lại không thể im lặng mà lờ đi được. Hàng năm các vị chức dịch của xã phải báo cáo lên cấp trên về số sinh và số chết ở địa phương mình. Có rất nhiều chỉ tiêu kể cả vật chất lẫn tinh thần ăn theo cái số sinh tử đó . Năm nào ông chủ tịch cũng phải đích thân xuống làng Khoái Lạc để đốc thúc và kiểm tra. Ông gọi ông trưởng thôn lên và giao cho ông theo sổ đội lần tìm ra những đứa trẻ đến tuổi đi học để làm giấy khai sinh cho chúng. Trưởng thôn đành lóc cóc mò đến từng nhà. Cũng phải dăm ba đận mới gặp được. Các bà gãi đầu gãi tai chán rồi cuối cùng tặc lưỡi : Thôi thì bác muốn đặt họ tên cho cháu nó thế nào thì đặt. Còn cha cháu thì bác biết rồi... chả là hôm ấy tối quá nên nhà cháu cũng không thể nhìn tỏ mặt được nên... hay là bác cho cháu nó cái họ của bác như mọi đứa ? Thật  dở mếu dở cười. Ông trưởng thôn nhân nhượng bằng cách cho chúng cái họ của ông. Ông không có "qủa lựu đạn", vậy thì cái việc có đứa trẻ nào mang họ của ông cũng sẽ chả ai nghĩ nó là con của ông thật. Hơn nữa, ông không cho chúng họ của ông, cho bừa họ của người khác, họ kiện bỏ mẹ. Đã là người cầm cân nảy mực ở làng ông phải có trách nhiệm với thần dân của mình. Nhưng ông chỉ ghi có họ , còn tên thì giao cho thầy giáo. Thầy cũng là người trong thôn, lại lắm chữ, đầu óc thầy rộng. Thầy giáo đi cùng trưởng thôn đến từng nhà, giở sổ ra , đeo kính và lần theo cái mà thầy gọi là An- ve- be để lắp ghép tên. Đã có kinh nghiệm , cứ mỗi âm thầy đem ghép với sáu thanh dấu, vậy là có sáu cái tên, ví dụ Nguyên, Nguyễn, Nguyện, Nguyển, Nguyền, Nguyến ... chẳng hạn. Bí lắm gặp vần không thể đem ghép với cả sáu dấu được mới phải chịu để số tên ít đi: Tên còn nhiều, cứ việc đẻ... thầy giáo vừa giao giấy khai sinh cho người mẹ vừa thoải mái vậy. Các bà các cô trong làng rất quý thầy và nhiều người nửa đùa nửa thật : Hôm nào mát giời mời thầy đến ... chơi... thầy chả phải giữ ý, cũng chả phải khách khí làm gì, em đãi người ngoài còn được huống hồ thầy... là thầy đã cho cháu nó cái tên thì em cũng coi thầy như bố cháu.. Thầy giáo từ tốn cảm ơn, coi đó như một chuyện hết sức nghiêm túc.
      Hôm rồi trưởng thôn và thầy giáo tìm đến nhà lão Tắc nhắc phải làm giấy khai sinh cho thằng cò để nó đi học. Lúc đầu lão Tắc có ý tránh. Lão không muốn xa thằng cò dù chỉ nửa ngày.  Nhưng trưởng thôn và thầy giáo tìm đến luôn. Bà Tuất hàng xóm cách nhà lão Tắc một bờ dâm bụt  cũng làm toáy lên: Ông không cho nó đi học thì để rồi suốt đời lại như ông quanh năm vác cần đi rông, lủi bờ lủi bụi trêu chó hàng xóm hả- Bà Tuất quát lên vậy. Ngày xưa lúc mới được lão Tắc nhặt về, thằng cò bú sữa của cả làng. Bà Tuất không có sữa nhưng công bà nhiều nhất. Lão Tác ngô nghê vác thằng cò đến xin sữa cả đám con gái chưa chồng làm chúng chạy tán loạn. Xin sữa người đang nuôi con thì lão lại cứ sán đến ngồi bên cạnh, thao láo mắt nhìn chằm chặp: Rõ cái lão phải gió... Các bà các cô đỏ mặt xua lão.  Bà Tuất phải ra tay. Thủa còn trẻ bà cũng đã có lần có con nhưng lại không nuôi được. Bà muốn được nuôi thằng cò nhưng lão Tắc không chịu. Cuối cùng gần như hai ông bà nuôi chung. Ban ngày thằng cò xách giỏ theo lão Tắc còn đêm thì sang ngủ với bà Tuất. Nhiều người trong làng muốn ghép vào cho hai người, nhưng chả biết ông giời tính sao nên chuyện mãi không thành. Thằng cò vì vậy vẫn châng lâng đứng giữa hai ông bà.
       Liền mấy ngày nay bà Tuất giữ rịt thằng cò ở nhà không cho đi theo lão Tắc nữa. Bữa thầy giáo đến nhà, lão đi câu, thầy chỉ gặp thằng cò với bà Tuất. Chiều về lão hỏi : Thầy giáo đặt tên cho mày là gì - Túc, thằng cò đáp rồi nhe răng cười : Túc Tắc, Túc Tắc. Thầy giáo bảo tên con không có đứa nào trùng - Tên như cứt - lão Tắc lủng bủng: Tên ấy thì tao cũng đặt cho mày được. Lão nói vậy rồi bực dọc giắt chiếc cần câu lên chái nhà. Tính lão vậy, bao giờ cũng phi nói ngược đi một tý thì mới chịu.
        Tối nay ông trưởng thôn với thầy giáo lại lần đến: Tôi quên, đi học phải có giấy khai sinh cho thằng bé. Nó mới chỉ có họ, có tên. phải ghi vào đấy cả tên bố tên mẹ nữa thì mới được, cái lệ nó phải vậy. Lão Tác vảy tay: Thì bố nó là tôi, ông cứ ghi tên tôi chứ chả lẽ lại tên ông ? Ông trưởng thôn cười gật gật đầu. Thầy giáo cắm cúi mở sổ định ghi. Nhưng rồi thầy nhớ ra: Thế còn tên mẹ thằng cò ? Lão Tác ngồi ngắc ngứ vặt râu hồi lâu không trả lời được. Ông trưởng thôn cũng nghĩ rồi đột ngột vỗ vai thầy giáo, ra chiều bảo yên trí rồi chạy ra ngõ. Một lúc sau ông trưởng thôn về theo sau là bà Tuất: Đây, hàng ngày thằng cò ... Tên nó bây giờ là Túc- Thầy giáo nhắc. Ông trưởng thôn gật đầu : Xin lỗi thầy, ừ thì là thằng Túc. Thằng Túc thường ngày cứ leo lẻo bố Tắc, mẹ Tuất. Nhưng mà chưa có xác nhận chính quyền. Về lý như vậy người ta gọi là bất hợp pháp. Nhưng tôi thông cảm cho qua. Bây giờ ba mặt một lời, tôi hỏi hai ông bà... Hai ông bà ngồi im nhìn nhau. Trăng lúc đầu còn chỉ mới phủ lên đỉnh núi Cạc một vầng sáng nhạt, lúc này đã đang nhô dần lên. Thầy giáo ngáp một cái rõ dài. ở nhà thầy hay ngủ sớm. Lão Tắc nhìn thấy cái ngáp ấy thì lúng túng, ấp úng mãi rồi mới nhìn sang bà Tuất ề à : ừ hay là ... còn nếu bà không đồng ý thì ...
    - Có gì mà tôi không đồng ý -  Bà Tuất đập tay vào nhau: Có cái nhà ông ấy, rõ sắp già đời mà vẫn chẳng ra người lớn. Tôi là gái chính chuyên. Lẽ đời trâu phải đi tìm cọc chứ đâu có cái lẽ cọc cứ phải đi tìm trâu? Tôi nói vậy là, gì thì gì, nếu ông thật lòng thì phải chính thức có nhời. Nay thế này rồi nhỡ ra mai lại thế khác là tôi không có chịu. Mà tôi cũng chỉ lo cho thằng cò thôi đấy...
    -Thế thì...Thầy giáo sốt sắng: Thế tôi cứ ghi tên bố tên mẹ cho nó là cả hai ông bà nhá.
    -  Nhưng ghi vào vậy bây giờ cho xong việc đi học của thằng Túc thôi, còn ngày mai hai ông bà phải ra uỷ ban, tôi nói để các anh ấy cấp cho cái giấy đăng ký kết hôn. Mọi chuyện cứ phải cho rõ ràng. Mấy lỵ, rồi cũng nên kiếm lấy mâm cơm báo cáo bà con làng xóm... Ông trưởng thôn vẫn nghiêm trang: Cái lệ nó vậy.
     Lão Tắc lại nhìn bà Tuất, cái nhìn như hỏi : Bà thấy thế nào ? Bà Tuất cũng nhìn lão Tắc rồi bất ngờ đứng dậy, phủi mạnh đũng quần : Rõ người với ngợm, thường ngày thì mồm mép như thánh như tướng, cá ao nhà người cũng cãi rằng cá nhà mình được, giờ đến việc của mình, cá vào ao nhà mình thì lại như người ngậm hột thị. Và bà quày qủa đứng dậy với lấy cái chổi tre quét vô tội vạ lên mảng sân trước nhà. Thằng Túc đang nhảy cò cò quanh sân miệng liến thoắng : Túc -Tắc -Tuất, Túc -Tắc -Tuất... liền bị bà Tuất vụt cho một cái vào mông: Mày cứ liến cái mồm câu gì thế. Cẩn thận đấy không khéo rồi mai kia có đi đánh nhau với đứa nào , để nó biết lại lôi cả tên bố mẹ mày ra mà chửi thì chết đòn với tao. Thằng Túc một tay xoa mông, một tay bám lấy vạt áo bà Tuất: Bu ơi, thế mai có đi học không ? Bà Tuất vứt chiếc chổi dễ : chả đi học thì ở nhà mà xách giỏ đi câu trộm à, nhà tao là không có cái giống ấy nhá. Lão Tắc cười : Thôi, ý bà ấy đã vậy thì các ông cứ ghi vào vậy đi cho cháu.
        - Ghi làm sao. Thầy giáo hỏi, bút lăm lăm trong tay.
        - Thì .. như bà ấy nói í, nghĩa là... thằng Túc nó cũng là giống nhà bà ấy... lão Tắc ấp úng . Ông trưởng thôn nhìn lão Tắc hồi lâu ra chiều cảm động lắm rồi bỗng ông ghé tai lão Tắc : Này, vậy là cuối cùng ông cũng chắc sẽ biết nhá. Lão Tắc nghệt ra : Ông bảo tôi biết cái gì ? Ông trưởng thôn tặc lưỡi, hất cằm một cái về phía bà Tuất, đầy ý nghĩa : Thì ... biết cái chuyện ... ấy ấy. Lão Tắc hiểu ra , cười rồi lúc lắc đầu : Già rồi... lão chỉ nói vậy rồi nhìn lên đỉnh núi trước nhà. Trăng vẫn đang lên . Lão ngạc nhiên khi thấy  ở nơi ngọn núi Cạc, chỗ cao nhất có ánh loang loáng của bóng nước hắt lên từ mặt ao Lồ ..

               Đêm ấy trăng mọc trên làng Khoái Lạc đẹp và rực rỡ khác thường...

TRÊN BỜ DÂN GIAN
         Tặng Kao Sơn, tác giả truyện ngắn “Duyên giời”*
                                  

          Núi Cạc nằm cạnh ao Lồ
          trăng nhô, diếc nhảy sáng bờ dân gian
          làng nhiều con gái thật ngoan
          không chồng vẫn có… khỏi oan uổng đời.

          Sinh ra ở dưới gầm giời
          thấp, cao chi cũng là người thịt da
          chính chuyên là của người ta
          mình xin kẽo kẹt đàn bà, đàn ông.

          Đẹp duyên nên vợ, nên chồng
          kém duyên…kiếm chút bế bồng, cũng vui
          có gì đâu phải ngậm ngùi
          cớ can chi phải sụt sùi mưa ngâu!

          Đất trời còn sóng sánh nhau
          lá hoa còn biết lên màu ái ân
          dẫu chưa tìm được tri âm
          thì mong bóng núi đổ dâm ao nhà.

          Ru con câu hát ông bà
          ru mình cái gió ghé qua lật lờ
          láng giềng trẻ đọc bi bô
          ngả nghiêng núi Cạc, ao Lồ ướt trăng.

NGUYỄN HỮU QUÝ

No comments:

Post a Comment