11 August 2011

NGƯỜI GOM BÓNG LẺ ĐỐT MÌNH TƯƠNG TƯ

      Người gom bóng lẻ đốt mình tương tư

(Đọc tập thơ Xúc xắc của nhà văn Kao Sơn, NXB Hội Nhà Văn , 2006)
                                                           NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Vốn là cây bút văn xuôi đã thành danh, nhà văn Kao Sơn đến với thơ như một sự tình cờ không định trước. Chuyến đi dự trại sáng tác văn học do UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (8/2001) là cơ duyên đưa Kao Sơn đến với địa hạt của thơ, làm người “gom bóng lẻ đốt mình ...tương tư”. Nói thì đơn giản vậy, nhưng làm được thật chẳng dễ dàng gì; nó đòi hỏi người làm thơ phải có trái tim rất mực nhạy cảm, lúc nào cũng nồng nhiệt đam mê tới mức “đốt mình” lên để sống, để yêu thương chia sẻ, “đốt mình” lên mà lao động sáng tạo trong thế giới nghệ thuật của ngôn từ, thi tứ... Rất mừng là nhà văn Kao Sơn có được phẩm chất ấy của người thi sĩ.
Mỗi bài thơ trong tập “Xúc xắc” của anh đều có hoàn cảnh  riêng làm nẩy sinh cảm hứng và nhìn chung anh đã tận dụng được những hoàn cảnh ấy mà viết thành thơ (xem phầm “Từ cuộc đời đến những trang thơ”- Xúc xắc). Đối tượng cảm xúc của thơ Kao Sơn đều là những thân phận con ngườu, những sự vật cụ thể mà ở đó anh phát hiện ra chất thơ thế là anh bắt lấy “đốt mình... tương tư”.
Thi nhân vốn là người đa mang, đa cảm âu cũng là cái nghiệp giời đày. Kao Sơn khao khát “ước gì như thể thiêu thân/ Được yêu ngọn lửa một lần rồi thôi” (Ước), anh “đắm say đến cả... điều không đáng gì” (Một mình), và lặng lẽ như cái rađa phát sóng mà nhận lấy tín hiệu của thơ một cách tự nhiên. Gặp vỏ ốc biển nghĩa là nhìn vào cái đã chết, Kao Sơn thấy “nó vẫn đang tiếp tục sống cuộc đời của nó”, thế là anh tìm ngay ra cái tứ cho bài thơ:
Một ngày tự bến bờ xa
Nằm nghe sóng đổ - Vỡ oà... Rồi im
Thân về trong cát nhẹ tênh
Hồn còn theo gió hát lên môi người.
(Ốc biển)
Cái tứ ấy làm nên hồn cốt của bài thơ, nó gói ghém cả tư tưởng triết lý về sự mất còn, về sự sống và cái chết, nó để ngỏ một khoảng lặng ngoài lời cho người đọc suy tư. Từ màu xanh chiếc lá vốn bình dị quen thuộc tưởng chẳng còn điều gì phải trăn trở vậy mà Kao Sơn vẫn đau đáu nỗi niềm: “Một mình làm cả cuộc tình/ Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh” (Lá). Câu thơ đã vượt ra khỏi cái giới hạn của một cuộc tình đơn phương đến với khát vọng sống hết mình với cõi nhân gian, nó thiết tha đắng đót nỗi đời trong sự tương sinh, tương khắc của hy vọng và thất vọng, hạnh phúc và khổ đau, đỏ và đen mà anh đã trải nghiệm:
Xúc xắc à, xúc xắc ơi
Đỏ đen chi lắm cho tôi bẽ bàng
(Xúc xắc)
Ngay cả những chuyện bông đùa tếu táo của các bạn văn anh cũng viết được thành thơ mà đằng sau cái giọng vui đùa tửng tưng ấy lại là tâm trạng rất trữ tình. Gặp hai nhà thơ nữ “Lên chùa Thầy, vừa du xuân, vừa lễ Phật” (Từ cuộc đời đến những trang thơ - Xúc xắc) Kao Sơn viết ngay bài thơ (Chày Kình) (I và II). Ở bài thơ này, tiếng chày Kình chỉ là cái cớ để anh bộc lộ cảm xúc của mình về cõi Phật, cõi người và trên hết là cái nhìn tươi vui về sự sống. Nghe chuyện bông phèng của hai người bạn thơ khoe khoang “Đang được phải lòng một ... ai đó” (Từ cuộc đờu đến những trang thơ- Xúc xắc) thế là anh ứng tác ngay “Tình khúc tuổi năm mươi” nồng nàn bỏng rẫy:
Thế mà... như thể ma đưa
Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày
Thế mà ... như bị giời đày
Chợt vui, chợt giận, chợt ngây, chợt khùng”.
Cả một lớp điệp từ càng về sau càng gấp gáp hơn làm nên âm điệu nóng ở trái tim “Loạn nhịp bởi người đâu đâu” của anh chàng “Vướng tình ở tuổi năm mươi” mà mụ mị như bị “ma đưa”, “giời đày” mà thành ra ngây dại, để rồi câu kết cuối cùng: Tuổi 50 cũng lạ lùng/ Tự dưng đổ đốn phải lòng người dưng…. Lại như một nét cười tinh nghịch ẩn giáu sau cái vẻ ăn năn hối lỗi và tự trách mình ” đổ đốn “ ấy
Tuy nhiên, những “bóng lẻ” mà nhà văn Kao Sơn chắt chiu gom nhặt để “đốt mình... tương tư” chủ yếu hướng vào những cảnh ngộ, thân phận con người và thơ anh nặng trĩu nỗi buồn nhân thế.
Bài thơ “Bà tôi” như một lời kể về cuộc gặp gỡ của hai bà cụ ở hai hoàn cảnh khác nhau: một là chủ nhà, một là người hành khất. Nhưng trong lời trò chuyện tâm tình của bài thơ, ta không thấy người ăn xin, chỉ thấy hai bà như đã từng là bạn bè thân thiết gặp nhau: “Lưng còng đỡ lấy lưng còng/ Thầm hai tiếng gậy tụng trong nắng chiều”. Hai tiếng gậy, hai thân phận con người khác nhau mà hoà hợp như là một. Đầy ắp bài thơ là thái độ ứng xử nghĩa tình. Nhân vật bà tôi “cung cúc” đón người hành khất, lặng lẽ cảm thông, lẵng lẽ sẻ nửa số gạo ít ỏi còn lại trong nhà “chia đều thảo thơm” rồi ý tứ: “Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm/ Bà ngồi dưới đất mắt buồn ngó xa”. Biết bao nhiêu là tâm trạng, biết bao nhiêu là tình người trong “đôi mắt buồn ngó xa” ở cái khoảnh khắc “Lá tre rụng xuống sân nhà/ thoảng hương nụ vối... chiều qua... cùng chiều” của bà cụ nông dân nghèo khó mà tấm lòng thì nhân hậu sáng trong.
Chỉ một bài phóng sự viết về một nữ cựu thanh niên xung phong trong cuộc sống đời thường cũng làm cho Kao Sơn day dứt. Anh xót xa cho người phụ nữ kia đã hy sinh cả tuổi thanh xuân ở những cung đường thời chống Mỹ, cứu nước về với cuộc sống thời bình mà vẫn khổ “Khổ như chị đến thế thôi”, không còn khổ đau thiệt thòi mà hơn thế nữa. Tiếng thơ anh bật ra như một tiếng kêu đau xé của sự cảm thông tột cùng. Nỗi đau khổ cay cực cứ bám riết lấy một kiếp người: Chồng đi biển chết, năm mẹ con chị sống nheo nhóc trần trụi trên cát “Như xương rồng giữa phong ba/ Chị bấu vào cát mà qua phận mình” (Xương rồng trên cát). Chỉ hai câu thơ đã khái quát cả thân phận người phụ nữ cựu thanh niên xung phong mà cuộc sống của chị, mà cái gia đình ấy chị gánh trên vai vừa dữ dội quyết liệt lại vừa lỏng lẻo mong manh như gió thổi cát bay.
Còn bao nhiêu thân phận khác nữa Kao Sơn tìm đến an ủi, sẻ chia. Đó là những người con gái, con trai bỏ làng quê ra thành thị kiếm sống, họ phải đối diện với bao nhiêu lọc lừa cạm bẫy của những “đêm thành thị, đêm bùa mê” dẫn đến bi kịch đau lòng: “Hồn một nơi, vía một nơi/ Một em đất khách quê người... một anh/ Chắp tay tôi lạy thị thành/ trả cho tôi nụ hoa chanh vườn nhà” (Lạc đường).
Hành trình thơ của Kao Sơn là hành trình “gọi đàn”, tìm đến cõi đời nhân ái của một tâm hồn khắc khoải nhớ, khắc khoải thương, khao khát “đốt mình” lên để sẻ chia đồng vọng. Và trong hành trình ấy nhiều khi Kao Sơn vẫn thấy mình rợn ngợp cô đơn:
Làm thơ tặng cả đất giời
Những mong tìm gặp một lời tri âm
Trời lặng câm, đất lặng câm
Dửng dưng mắt, dửng dưng lòng... dửng dưng
(Gửi bạn ăn mày)
Đó là nỗi cô đơn của trái tim thi sĩ hướng tới cái thiện, cái mỹ mà xưa nay những điều ấy thường đồng hành cùng nhau. Phải chăng nỗi buồn và sự cô đơn cũng trở thành cái đẹp của văn chương, nghệ thuật.
Tôi cầm trên tay tập thơ “Xúc xắc” với 30 bài thơ không thể nói là dày dặn về số lượng nhưng mang đậm hồn thơ Kao Sơn. Sức nặng của tập thơ này nằm trọn vẹn trong những bài thơ lục bát của anh. Thơ lục bát của Kao Sơn thường ngắn gọn, có kết cấu lớp lang chặt chẽ. Anh khéo mở ra lại khéo thắt vào trong từng ý từng tứ, khéo đặt những hình ảnh và ngôn ngữ vào đúng hoàn cảnh tâm trạng của nhân vật trữ tình, dồn nén năng lượng cảm xúc rồi tự nó nổ bung ra gây ấn tượng cho người đọc.
Thơ lục bát của anh có giọng điệu không trộn lẫn với thơ của Bình Nguyên, của Lê Thi Hữu. Anh diễn đạt cảm xúc của mình theo một dòng chảy tự nhiên bởi yếu tố trần thuật mà trữ tình. Anh viết thơ cứ như kể chuyện đời, chuyện người một cách tự nhiên không câu nệ vào vần luật, câu chữ. Cái chính là cảm xúc tâm trạng tự nó tìm đến ngôn từ, vần điệu, tự nó mời gọi chi tiết, hình ảnh đúng như anh tâm sự. “Thì ra khi có cảm xúc thật, câu chữ chả cần làm mình làm mẩy, tất cả những gì cần thiết sẽ tự nó đến, tự nó biểu hiện và anh chỉ cần cứ thế mà ghi lại. (“từ cuộc đời đến những trang thơ” – Xúc xắc). Nhà văn Kao Sơn làm như vậy cũng là một sự lựa chọn.

                                                                   Tam điệp
                                                                       NMC



No comments:

Post a Comment