31 July 2011

VÌ SAO TÔI HÚT THUỐC

        -  Toét!
Đang đứng ngẩn ngơ nhìn giời, nhìn dòng người chảy như trôi trên đường, bỗng dưng một tiếng còi thổi gắt vang lên sát kề và cũng đột ngột như từ dưới đât chui lên, ngay trước mặt tôi là một anh công an khả kính với nét mặt lạnh băng bẩm sinh của nhà cầm quyền trước một thần dân có lỗi:
      -     Anh nộp phạt
–        Dạ, tôi?
–         Phải, chính anh!
–         Dạ… tôi bị phạt vì tội gì ạ ?
–         Đừng giả vờ… Anh đang cầm cái gì trên tay đây?
–         Dạ… emmm
–         Nộp phạt. Nhà nước có lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng kể từ Zê rô giờ ngày mùng một tháng 1 năm 2010. Anh đọc thông báo chưa?
–         Dạ.. thông báo ở đâu ạ?
–        Còn ở đâu nữa. Trên báo, trên đài, trên tivi, trên,,,
–         Dạ, nhà em không có đài, không có tivi
–         Ba xạo. Thời buổi này mà còn có người bảo nhà không có đài, không có tivi? Vậy có nhìn thấy cái biển cắm ở góc sân đàng kia không?
–         Dạ… có.
–        Anh đọc lên coi?
–         Dạ… Cấm hút thuốc ở đấy.
–         Ở đây chứ không phải là ở đấy.
–         Dạ… ý em là không được hút thuốc ở cái chỗ cắm cái biển ấy, còn ở chỗ này thì có lẽ là…
–        Này, đừng giở cái giọng lí sự với tôi nhá. Ở đâu có biển cấm là ở đó và ở xung quanh đó mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, hiểu chưa?
–         Dạ hiểu.
–         Hiểu mà vẫn phạm tội ?
–         Dạ… thực không phải không muốn đâu ạ. Nhưng cũng có lúc biết cấm đấy nhưng  không nhịn được ạ
–        Chả có cái gì nhà nước đã cấm mà không lại nhịn được. Cố tình coi thường kỉ cương phép nước thì có
–        Dạ… anh nói vậy chứ… không nhịn được thật ạ. Ví dụ như… anh nhìn kìa, cũng ngay cái chỗ có biển cấm hút thuốc ấy là cái biển cấm đái. Nhưng nhiều người vẫn phải vi phạm vì không nhịn được
–        Nói bậy. Phải đái đúng nơi quy định chứ? Nhà vệ sinh đấy, không nhìn thấy à?
–        Dạ có. Nhưng không có tiền. Muốn vào đái đúng nơi quy định phải có tiền. Em đi khắp thành phố này không thấy có nhiều nhà vệ sinh công cộng. Dân quê như chúng em nhiều lúc khổ sở không biết tìm chỗ đái ở đâu. Có lúc tìm được thì nơi nào vào đái cũng phải nộp tiền. Dạ… thật cũng có lúc không có tiền đâu ạ. Ví dụ như lúc này…
–        Thôi, không ong đơ gì nữa, Cấm đái khác với cấm hút thuốc ! nộp phạt,..Anh có nộp không thì bảo..
–        Dạ… em không có tiền.
–        Không có tiền nộp phạt lại có tiền mua thuốc hút? Mà lại là thuốc có đầu lọc hẳn hôi cơ đấy, ngửi mùi biết ngay là thuốc đắt tiền, thơm điếc cả mũi
–        Dạ…Bây giờ người ta chỉ bán thuốc có đầu lọc loại này. Ngày xưa em chỉ hút loại bét, có khi là thuốc Con gà, tự vấn thôi…
–        Hừ… thế có nghĩa là phạm tội có truyền thống. Hút được bao nhiêu năm rồi?
–        Dạ… 50 năm.
–        Năm mươi năm? Anh đang đùa với pháp luật?
–        Dạ… em không đùa!
–        Không đùa mà khai hút đã 50 năm. Nếu hút 50 năm rồi thì làm sao anh còn sống đến ngày hôm nay được.?
–        Dạ… em cũng không hiểu ạ. Hay do hút thuốc nhiều nên phổi em nó cũng giống như cái rá cái rổ mà các bà quê em hay đem gác lên gác bếp cho bám bồ hóng chăng? Cái gì được hun khói cũng bền ra phết đấy thủ trưởng ạ
–        Bao biện ! ông không nghe đài nói đấy, hút một điếu thuốc là toi mất ba giây sống. Ông hút 50 năm, mỗi năm…
–        Dạ, hì hì… sếp đúng là nhiều thời gian nghe đài. Nhưng sếp ơi… cũng đài nói đấy, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, bằng… hai mươi giây tuổi thọ… hì hì… em mà được hút một điếu thuốc thì em cười như nghê, cười như  ra rại, như ma làm. Vậy là theo nhà đài, em lời được những mười bảy giây tuổi thọ cho mỗi điếu thuốc hút vào cơ đấy. Có lẽ vì vậy mà đến giờ , mặc dù bạn bè thường gọi em là cái ống khói di động, em vẫn sống vui, sống khỏe, sống…
–        Thôi, không lí sự cùn, không phao tin đồn nhảm
–        Da ,..Em hút tính đến nay là năm mươi năm rồi thật mà, từ hồi học lớp bốn trường làng em đã tọng vào họng nào là Trường Sơn, Bông lúa, rồi Tam Thanh, Nhị Thanh. Qua cái đận ấy là đến Brao, Điện biên, Tam Đảo mấy lị cả Beraty, cái loại Beraty vừa đi vừa hút, mua một tút vừa hút vừa cho
–        A, lại còn vừa hút vừa cho nữa, Nghĩa là không những bản thân phạm tội mà còn xúi bẩy lôi kéo người khác cùng phạm tội. Vậy anh nộp phạt gấp đôi. Luật quy định từ 50 ngàn đến 100 ngàn. Anh nộp 200 !
–        Ối sếp ôi, em làm cả tháng may ra mới được bài thơ, giửi cho báo, nếu may in được em mới có được ba chục ngàn. Ba chục ngàn chia cho ba mươi ngày, mỗi ngày có một ngàn…
–        Lại lí sự. Mà ông bảo gì? Ông là nhà thơ?
–        Dạ… gọi là thế cho có vẻ oách, được đứng vào đội ngũ đông đảo… còn chính em chỉ là nhà văn.
–        Nhà văn? Thảo nào từ nãy tới giờ ông hay lí sự. Chắc giờ ông lại định nói với tôi là nhà văn thì phải hút thuốc để suy tư tìm ý tìm tứ cơ đấy?
–        Dạ, em là nhà văn thật. Sếp cứ nhìn cái tấm thân còm cõi của em cũng biết..
–        Ừ, đúng là ông gầy thật. Nhưng… Thế bút danh ông là gì?
–        Dạ… Còm ạ
–        Đó nữa. Nhà văn nhà thơ là tài sản quốc gia, vậy mà ông lấy cái bút danh nghe như phản động ?
–        Em không phản động. Em yêu nước số một. Em chỉ…. Thỉnh thoảng vi phạm lệnh cấm của nhà nước, có khi đái bậy, có khi hút thuốc thôi ạ. Mà đái bậy thì em trình bày rồi. Còn hút thuốc thì… Này, sếp biết chữ không ?
–        Anh này hỏi vớ vẩn. Không biết chữ làm sao có thể ghi biên lai phạt được?
–        A, vậy là sếp biết chữ. Tốt rồi. Khỏi phải trình bày dài dòng. Em có cái truyện này hay lắm, em đưa sếp đọc thử nha. Sếp đọc rồi sếp sẽ hiểu…
–        Đứng đây đọc truyện của ông thì thà tôi ra ngoài đường kia rình phạt mấy tay coi thường kỉ cương phép nước, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm còn hơn.
–        Sếp chịu khó đi. Sếp cứ đọc, đọc xong em thề… nếu có tiền… sẽ nộp phạt
–        Thật nha. Giúp nhau đi. Bọn tớ không như nhà văn các ông viết được thì viết, không viết được chẳng ai bỏ tù. Cánh tớ mà ra đi không mang được tờ biên lai phạt nào về là bị coi như không hoàn thành nhiệm vụ đấy. Ừ, Đọc nha. Mà nhớ là nộp phạt đấy nha… đưa đây….

                                Vì sao tôi hút thuốc

                                    S.ANTOV (CHLB Nga )
Một con người có lòng tự trọng có bao giờ ngửa tay xin tiền người qua đường không? Không đời nào ! Không bao giờ! Ngay cả khi trong túi không có nổi 5 xu để mua vé tàu điện.
Khi một con người có lòng tự trọng gặp phải chuyện buồn phiền liệu anh ta có sẵn sàng chia sẻ nỗi lòng mình với những người xa lạ không? Không! Tất nhiên là không rồi.
Nhưng liệu có ai trong số những người hút thuốc lại không có một lần xin diêm bằng mọi thứ tiếng khác nhau: “ Xin lỗi, anh làm ơn cho tôi xin tí lửa!”.
Và người kia sẽ rút ra bao diêm, quẹt lửa, rồi đưa que diêm đã cháy cho bạn. Trong một khoảnh khắc nào đó bàn tay hai người chạm vào nhau, truyền cho nhau ngọn lửa nhỏ.
Sau đó, có một người khác lại đến châm nhờ thuốc, bạn sẽ đưa cho anh ta điếu thuốc đang hút dở. Trong một giây phút bàn tay hai người xa lạ lại chạm vào nhau.
Và sẽ mãi mãi như thế chừng nào trên thế giới này còn có người hút thuốc. Những đốm lửa nhỏ li ti cứ truyền từ người này sang người khác đi khắp mọi nơi trên trái đất. Bỏi vì ở đâu cũng có người hút thuốc dù là Châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc hay châu Mỹ.
Và chừng nào bàn tay của con người còn chạm vào nhau, gìn giữ ngọn lửa nhỏ, gìn giữ hơi ấm thì trên hành tinh này chắc sẽ bớt đi phần nào những điền xấu xa.
Có lẽ vì lí do đó mà tôi không bỏ thuốc. Vì biết đâu một lúc nào đó lại chẳng có người hỏi tôi : “ Xin lỗi, anh làm ơn cho tôi xin tí lửa!”.
……..
………………………………………………………………………
-         Sao, hết rồi à, truyện ngắn thế.?
-         Dạ…
-         Thôi, khách sáo làm gì. Tớ đọc xong rồi. Đến lượt ông?
-         Dạ…
-         Nộp phạt?!
………………….
……………………………………………………………….
Giật mình. Toát mồ hôi. Nhìn quanh thò tay móc túi…. thấy mình trần như nhộng đang nằm trên giường. Thì ra là một giấc mơ. Hú vía.

No comments:

Post a Comment